Jell-O: Content Marketing đã cứu sống thương hiệu này ra sao?
Jell-O là một thương hiệu của Kraft Foods với sản phẩm tráng miệng từ galetin, bao gồm gel trái cây, bánh tráng miệng và bánh kem không nướng. Thương hiệu này phổ biến và được ưa chuộng đến nỗi thường được dùng như một danh từ chung, chỉ các món tráng miệng ở Mỹ và Canada, tương tự như người Việt Nam dùng từ "honda" để gọi xe máy và OMO để nói chuyện phải đi mua bột giặt.
Mở đầu quyển sách "Free - The Future of a Radical Price" (tựa tiếng Việt là "Miễn phí - Tương lai của một mức giá cách mạng" - Phan Triều Anh dịch), Chris Anderson, cũng là tác giả quyển sách cực kỳ nổi tiếng : The Long Tail kể về lịch sử của Jell-O được tóm tắt dưới đây.
Nếu bạn muốn nồi canh của bạn ngọt hơn, bạn sẽ làm y hệt như thế kỷ 19: bỏ miếng thịt vào nồi hầm, chờ chất collagen bị thủy phân nổi lên từ đống xương xụn. Chất này được gọi là galetin. Nó là chất trong trong, dính dính, nổi lên khi ta luộc thịt. Khi bạn chiết xuất được một lượng lớn chất này, tinh lọc, thêm màu sắc và mùi vị, nó sẽ trở thành một thứ khác: Jell-O.
Vào năm 1895, Pearle Wait, một thợ mộc ở LeRoy, New York, ngồi trong bếp ngó mông lung vào cái bát đầy galetin. Đã từ lâu ông muốn tham gia vào ngành thực phẩm đóng gói và nghĩ rằng galetin có thể là sản phẩm của mình. Dù những người làm keo đã sản xuất nó hàng thập kỷ như một thứ phẩm của quá trình thuộc da nhưng người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa biết đến nó. Lý do đơn giản là làm galetin mất quá nhiều công sức mà thu lại chẳng bao nhiêu.
Wait cho rằng galetin có vị thêm sẵn sẽ bán được nhiều hơn nên ông trộn nước hoa quả, đường, màu thực phẩm để mang lại màu và vị trái cây. Để sản phẩm không còn liên quan tới lò mổ, vợ của Wait là May đặt tên cho nó là Jell-O. Lúc đó, sản phẩm này vẫn là một thứ thực phẩm xa lạ và nhãn hiệu chưa được biết đến. Cái thứ dẻo dẻo mới mẻ này là một loại salad hay một món tráng miệng?
Trong hai năm, nỗ lực của Wait không thành công. Cuối cùng, vào năm 1899 - sau 5 năm từ lúc manh nha ý tưởng - ông đầu hàng và bán lại nhãn hiệu này cho Frank Woodward, một người cùng thị trấn với giá 450$. Nhưng với công ty Genesee Pure Food của Woodward, sức bán sản phẩm chậm và gây nản lòng đến nỗi vào một ngày ảm đạm, ông đề nghị bán toàn bộ mọi thứ với giá 35$ cho một người khác nhưng họ không muốn mua.
Vào năm 1902, sau 3 năm hỳ hục, Woodward và người phụ trách marketing đầu tiên của mình, William E.Humelbaugh thử cách khác. Họ nhận ra rằng vấn đề chủ yếu của người tiêu dùng là không hiểu sản phẩm dùng để làm gì. Nếu khách hàng không có nhu cầu, cửa hàng sẽ không trữ sản phẩm. Một quyển sách hướng dẫn nấu ăn với nguyên liệu là Jell-O có thể tạo ra cầu. Họ đã cài một Trojan House trong những nội dung được cho đi - những thông tin này chỉ hữu ích nếu người tiêu dùng mua sản phẩm Jell-O.
Genesee cho in hàng chục nghìn quyển sách mỏng với công thức làm Jell-O và phái những người bán hàng rong đi phát không cho các bà nội trợ. Vào lúc đó, người ta chỉ có thể bán hàng rong khi có giấy phép nhưng với sách dạy nấu ăn thì khác, phát không đâu phải bán hàng. Họ đường hoàng gõ cửa từng nhà, phát sách có công thức chế biến cho các bà chủ nhà, không yêu cầu bất kỳ ràng buộc nào.
Sau khi bỏ bom cả thị trấn với những công thức pha chế, những người bán hàng đến gặp các nhà buôn địa phương và báo cho họ biết sắp sửa có rất đông khách hàng đến hỏi mua một sản phẩm có tên là Jell-O, còn đợi gì nữa mà không trữ hàng đi. Đến năm 1904, chiến dịch này thành công rực rỡ.
Hai năm sau, doanh số hàng năm của Jell-O đạt một triệu USD. Công ty giới thiệu "Nàng Jell-O" trong các quảng cáo của họ, những quyển sách mỏng trở thành sách dạy nấu ăn bestseller của Jell-O. Trong vài năm, Genesee đã in đến 15 triệu quyển sách miễn phí, và trong 25 năm đầu tiên, công ty đã in và phân phát đến từng nhà trong cả nước Mỹ một 250 triệu quyển sách dạy nấu ăn miễn phí. Jell-O trở thành một thứ phổ biến trong bếp của người Mỹ và là cái tên quen thuộc với mọi nhà.
Từ một thương hiệu suýt bị bán đi với giá 35$, Jell-O đã được cứu sống và phát triển mạnh mẽ một ví dụ sắc nét về sức mạnh của nội dung và việc cho đi các nội dung này miễn phí, liên tục, giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen rồi từ đó bán sản phẩm của họ. Chào mừng các bạn đến với thuật ngữ content marketing.
Ngoài ví dụ Jell-O đươc content marketing cứu sống, danh sách những công ty sử dụng content marketing hãy còn dài. Những công ty thành công và lớn nhất đang sử dụng Content Marketing có thể kể là: Microsoft, Coca Cola, American Express, P&G lẫn GE. Vì sao các công ty khổng lồ và thịnh vượng lại sử dụng content marketing? Đơn giản vì nó hiệu quả!
Định nghĩa và giải thích về cụm từ "content marketing" có lẽ là một trong những chủ đề nóng, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhưng có rất ít người có thể xác định chính xác nó là gì, có gì khác so với marketing truyền thống.
Để ứng dụng vào các hoạt động marketing của mình, chúng ta phải hiểu một cách thấu đáo định nghĩa content marketing, cách thức hoạt động và những yếu tố then chốt.
Cách tiếp cận:
Cách tiếp cận truyền thống sẽ tập trung vào việc tạo ra sự chú ý của người tiêu dùng, thường là trong một thời gian ngắn. Khi tập trung vào sự chú ý, các quảng cáo, các hoạt động marketing sẽ không mấy tập trung vào việc mang lại cho người tiêu dùng thông tin có giá trị. Cách làm này cũng khá tốn kém, nhất là khi không thể chứng minh được hiệu quả mang lại.
Trong khi đó, content marketing tập trung vào việc mang lại các thông tin có giá trị với người tiêu dùng. Đầu tiên, content marketing sẽ hướng dẫn, dạy (education) người tiêu dùng về sản phẩm, mở đường cho việc mua hàng trong tương lai. Khi thương hiệu cung cấp cho người tiêu dùng điều gì đó giá trị, thì đồng thời cũng tạo ra tính gắn kết và lòng trung thành với thương hiệu (brand loyalty).
“Education is the most powerful weapon to change the world.” |
Định nghĩa Content Marketing
Tạo ra các nội dung liên quan, hấp dẫn, thú vị và có giá trị. Nội dung này phải được được cung cấp liên tục để duy trì và thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Content Marketing là một hoạt động tiếp thị cần thiết để giữ chân khách hàng, tìm thêm khách hàng mới và giúp các công ty xây dựng một thương hiệu mạnh.
Bạn có biết mỗi ngày đánh răng mấy lần là tốt? 3 lần phải không? Vì sao bạn biết điều này? Bạn có làm theo điều bạn cho là đúng không? Trước đây, nếu bạn quan sát bạn sẽ biết là các quảng cáo về kem đánh răng thường dạy chúng ta rằng: mỗi ngày tốt nhất là nên đánh răng 3 lần nhưng vì sao tới thời điểm này thì lời khuyên đã khác đi: mỗi ngày nên đánh răng 2 lần?
Lời khuyên chỉ còn lại: sáng và tối |
Câu trả lời rất đơn giản: vì khuyên đánh răng 3 lần một ngày là không khả thi, đánh răng buổi trưa khó khăn và đòi hỏi nỗ lực quá nhiều, nhưng 2 lần thì khả thi. Trong quảng cáo này, bạn cũng thấy PS dùng hai nhận vật: bé trai và người bố. Lý do chọn lựa bố, chứ không phải mẹ vì nghiên cứu cho biết 2 người trong gia đình lười đánh răng nhất là ông bố và các bé.
Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng là một việc cực kỳ khó, nên các quảng cáo liên tục từ năm này sang năm khác nói cùng một chủ đề một cách kiên nhẫn. Các thương hiệu từng chút từng chút một thay đổi một thói quen của người tiêu dùng.
Chính vì thế Content marketing cần khuyến khích các phản ứng tích cực từ khách hàng (reaction). Nếu nội dung không thể thay đổi hoặc duy trì thói quen của khách hàng, nó không có giá trị gì cho marketing. Content marketing cần một nội dung hấp dẫn và thúc đẩy kinh doanh.
Tuy nhiên, hình thức marketing này không liên quan trực tiếp tới việc bán hàng. Thay vì tập trung vào bán hàng mà thôi, nó tập trung vào việc cung cấp các thông tinhữu ích cho những đối tượng mục tiêu một cách thường xuyên. Mục tiêu là thương hiệu trở thành một chuyên gia, thu hút khách hàng mua hàng khi họ sẵn sàng.
Một số mục tiêu theo từng giai đoạn từ Content Marketing Institute |
Khi phụ trách làm marketing cho các mỹ phẩm, các sản phẩm làm đẹp tôi nhận ra ra người tiêu dùng không thực sự am hiểu về các sản phẩm làm đẹp. Mỹ phẩm tác động trực tiếp đến sức khỏe và vẻ đẹp của phụ nữ. Khi bị dị ứng hoặc xấu đi chẳng khác nào giết chết sự tự tin, vốn mang lại linh hồn cho người phụ nữ.
Rủi ro này rất dễ bắt gặp, không chỉ với người tự sử dụng mà ngay cả đi spa hoặc được tư vấn vẫn gặp rủi ro như thường, một số ví dụ tại đây, đây, đây và đây. Ngay cả BunBun là một cô nàng sở hữu một trang dạy make up thuộc top 10 blog làm đẹp nổi tiếng nhất tại đảo quốc Singapore cũng không khá hơn.
Trước khi giao phó nhan sắc mình cho một cơ sở làm đẹp tại Singapore |
Hậu quả |
Kết quả sau campaign sau 5 ngày |
Áp dụng tương tự cho các sản phẩm của mẹ và bé, làm thế nào để một người mẹ, lần đầu tiên có con rất bỡ ngỡ yên tâm hơn trong việc chuẩn bị cho bé yêu chào đời? Làm thế nào để họ biết được các sản phẩm này tốt hay xấu, làm thế nào để giảm bớt thời gian của họ phải tìm kiếm các thông tin về từng sản phẩm liên quan từ internet...
Các nội dung cứ thế tuôn chảy và giúp thương hiệu không chỉ chạm vào phần chức năng mà còn chọn vào trái tim của người tiêu dùng, giúp khách hàng làm tốt thiên chức làm mẹ của họ dễ dàng. Không một người viết content nào có đủ các trải nghiệm như thế, với mấy nghìn sản phẩm khác nhau, đủ mọi loại sản phẩm và thương hiệu, nhưng may mắn thay, bạn có thế phát triển các nội dung hữu ích này với sự giúp đỡ của những người đã thực sự dùng qua sản phẩm và càng đáng tin hơn khi có được review từ cộng đồng về mẹ và bé lớn nhất Việt Nam. Hơn 1 triệu bà mẹ và hơn 5 triệu người đọc mỗi tháng, vô vàn các thông tin hữu ích đang có sẵn, chỉ cần tập hợp và lấy người thật việc thật để giúp các mẹ lần đầu tiên sinh con yên tâm hơn với các lựa chọn của mình.
Bạn có thể không thực sự thay đổi thế giới theo cách hiểu giải cứu thế giới ra khỏi thảm họa như phim ảnh của Hollywood, nhưng nếu bạn có thể giúp một người không bị dị ứng, giúp họ tự tin trong cuộc sống hay có thể giúp một đứa trẻ sơ sinh tránh được rủi ro vì sử dụng sản phẩm gây hại cho sức khỏe của bé thì bạn đã thay đổi thế giới của một người và phần nào đó giúp thế giới này tốt đẹp hơn.
Vì thế, không phải là tự nhiên các công ty hàng đầu lại quyết định đầu tư vào content marketing: IBM, Indium, Intuit,Zenith Infotech, General Electric, General Mills, Roberts & Durkee Law Firm, Sherwin-Williams, NLB, Liberty Mutual, Lauren Luke, Google, Caterpillar, RCI
Nếu bạn nào đã theo học các lớp Digital Marketing tại VietnamMarcom mà tôi đứng lớp, có lẽ rất quen thuộc vớiZMOT: định nghĩa, ứng dụng và tầm quan trọng của nó. Hãy nhớ, nó đến từ chiến dịch content marketing của Google. |
Khi Big C sử dụng Content Marketing cho điện máy
Điện máy là mặt hàng có giá trị cao và phức tạp, vì vậy, lựa chọn sản phẩm điện máy là việc không dễ dàng đối với khách hàng. Big C sử dụng B-bar với 3 mục tiêu chính: chủ động cung cấp thông tin cho khách hàng một cách đầy đủ và có chiều sâu, tăng cường tư vấn trực tiếp cho khách hàng.
Các thông tin giúp người tiêu dùng chọn lựa, ra quyết định và cách sử dụng đúng sản phẩm rất hữu ích
Với việc bố trí các video hướng dẫn phát liên tục trên các LCD cùng các bảng thông tin dán cố định trên tường, khi có nhu cầu về mặt hàng nào, khách hàng có thể đến tại khu vực được phân chia riêng biệt cho mặt hàng đó, chủ động theo dõi các video đang phát hoặc các hướng dẫn trên tường, sẽ nhanh chóng nắm bắt được những thông tin cần thiết về đặc tính, nguyên tắc lựa chọn, ý nghĩa các thông số kỹ thuật, kỹ năng sử dụng, bảo quản sản phẩm… một cách cụ thể và chi tiết
Kết luận: Content marketing cần một nội dung hấp dẫn và thúc đẩy kinh doanh. Tạo ra các nội dung liên quan, hấp dẫn, thú vị và có giá trị cho khách hàng trong suốt các giai đoạn ra quyết định mua hàng tăng khả năng chiến thắng cho doanh nghiệp trong một rừng lựa chọn khi người tiêu dùng có nhu cầu. Mục tiêu là thương hiệu trở thành một chuyên gia, thu hút khách hàng mua hàng khi họ sẵn sàng.
Xem thêm : http://www.quicksprout.com/the-advanced-guide-to-content-marketing-chapter-1/
http://blog.chamxanh.com/2013/07/content-marketing-tai-viet-nam.html