Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Trần Quốc Khánh “FBNC”: Học tiếng Anh du học không khó nếu…

Bài trả lời phỏng vấn mới nhất đăng trên báo Pháp Luật TPHCM sáng 2/11 về kinh nghiệm học tiếng Anh dành cho những bạn mất căn bản giống mình Bài trên báo đã lược bỏ một số ý, dưới đây là phiên bản đầy đủ.
Screenshot 2014-11-02 23.41.11
Xem bài báo tại đây
1. Anh từng chia sẻ “tiếng Anh của tôi rất “ẹ” trước khi du học”, đến tận khi anh vào ĐH ở Việt Nam, vậy cụ thể thì nó “ẹ” như thế nào?
Cụ thể nói ra thì nhiều người mình quen biết cũng bất ngờ, nhưng tiếng Anh mình ẹ mức mình đã rất lo lắng cho môn tiếng Anh cho kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 và bố mẹ phải thuê một anh sinh viên đến dạy kèm cho mình buổi tối. Nói ra thật mắc cỡ, việc lơ là học thêm tiếng Anh đã khiến mình gần như mất căn bản, cả về ngữ pháp lẫn giao tiếp. Còn học tiếng Anh trong trường thì mình cũng thấy cũng không hiệu quả. Căn bản là trước đây mình không hứng thú với môn này. chính vì không thích lắm nên mình không có chủ động tự học. Chỉ là học theo kiểu đối phó.
2. Anh làm cách nào và mất bao lâu thì vượt qua được “ải” tiếng Anh để đường hoàng xách gói qua Mỹ học?
Khi vào Đại học rồi mình mới bắt đầu học thêm tiếng Anh ở trung tâm SEAMEO và sau đó là ILA. Có lẽ khi đó mình bắt đầu nhận ra ngoại ngữ cần thiết ra sao cho quá trình sự nghiệp sau này. Thà muộn còn hơn không, mình gần như bắt đầu lại từ đầu. Khi biết ILA khi đó có chương trình CCI (trao đổi văn hoá), tạo điều kiện để học sinh sang Mỹ du học, mình mới thật sự quyết tâm. Ước muốn được sang Mỹ du học là động lực lớn để mình cải thiện tiếng Anh. Tất nhiên, học tiếng Anh là quá trình dài, không thể cấp tốc một sớm một chiều. Nhưng may mắn khi đó điều kiện của chương trình CCI cũng không quá khó, chỉ cần điểm TOEFL trên 500 (lúc đó còn hình thức thi giấy) và vượt qua một kỳ phỏng vấn. Phỏng vấn thì mình may mắn gặp ngay người hỏi là một cô giáo đã dạy mình trong lớp tiếng Anh tại ILA và cô ấy cũng có cảm tình trước. Còn TOEFL thì khi đó chỉ có thi khả năng nghe và đọc, viết. Không có phần speaking (nếu có mình rớt chắc). Và mình đã phải mua sách về luyện rất nhiều. Gần như học thuộc các bài viết mẫu, nghe đi nghe lại phần Listening mẫu trong sách. Vì không có nền tảng căn bản tốt nên mình học theo kiểu học thuộc lòng, rất cực. Thật sự ở một góc độ nào đó, vì không có phần nói nên các phần còn lại bạn vẫn có thể luyện bằng cách học thuộc lòng, phải cố gắng 200% Mình vừa đủ 530 điểm TOEFL, rất may mắn vừa đủ điều kiện tham gia chương trình CCI. Mình chỉ vượt qua được “cửa ải” ở bên Việt Nam thôi, tức là các thủ tục để đi được. Còn sang đến bên đó mới thật sự là kinh khủng trong thời gian đầu bởi khả năng tiếng Anh vốn đã không có nền tảng vững chắc, lại kém giao tiếp nên thật sự rất khó khăn.
3. Với những bạn cũng mất căn bản tiếng Anh nhưng lại có cơ hội du học thì theo anh, các bạn nên học tiếng Anh như thế nào?
Như mình đã chia sẻ nhiều lần, phải chú trọng hơn ở kỹ năng nghe nói. Rất nhiều bạn điểm TOEFL cao (sang Mỹ cùng khoá với mình khi đó) nhưng sang đó thì khả năng nghe nói cũng không hơn mình bao nhiêu Học sinh Việt nam thường kém nhất kỹ năng giao tiếp (nghe nói) trong khi rất vững văn phạm. Còn nếu mất căn bản vì không có thời gian học tiếng Anh nhiều như mình nghĩa là dở toàn diện tất cả các kỹ năng. Nếu vậy để cải thiên khả năng tiếng Anh nhằm mục đích học tập hoặc làm việc, hãy bắt đầu trước bằng cách tập trung phần nghe nói. Hãy tìm cơ hội tập luyện nói chuyện nhiều với người bản xứ. Hiện nay khả năng viết và ngữ pháp của mình so với nghe nói rất chênh lệch do mình không có một quá trình dài học ngoại ngữ từ sớm. Nhưng mình vẫn có thể tự tin làm tốt công việc vì nghe nói và giao tiếp lưu loát vẫn quan trọng hơn rất nhiều. Tất nhiên viết tốt vẫn luôn là ưu điểm, nhưng ý mình ở đây là, nếu đang kém hết các kỹ năng, thì hãy bắt đầu và tập trung vào nghe nói trước. Song song đó thì hãy rèn luyện thêm phần viết. Để viết tốt thì hãy đọc thật nhiều. Để nói tốt thì hãy nghe thật nhiều và bắt chước cách phát âm của người bản xứ. Đừng hiểu lầm ý mình, để du học thật tốt thì kỹ năng viết cũng rất quan trọng, vì bạn sẽ phải làm các bài luận trong lớp, đặc biệt là 2 năm đại cương thường phải lấy các lớp về Writing. Ý mình là nếu nghe nói tốt sẽ giúp bạn tự tin và hoà nhập tốt trong thời gian đầu ở nước ngoài. Có tự tin, tâm lý thoải mái thì bạn sẽ làm tốt những điều còn lại khi ở nơi xứ người. Theo mình, kỹ năng viết phục vụ bài vở trong lớp không quá khó để cải thiện. Cái khó hơn chính là kỹ năng giao tiếp, nghe nói, thảo luận, trình bày, tranh luận một cách lưu loát như người bản xứ. Sau này đi làm cũng vậy, giao tiếp nghe nói, trình bày, thảo luận, đàm phán, giao tế xã hội vẫn quan trọng hơn nhiều so với kỹ năng viết.
4. Anh có thể kể về tiếng Anh của mình cuộc phỏng vấn lấy visa du học?
Khi phỏng vấn xin Visa Du học Mỹ thì điều quan trọng là phải tự tin. Tiếng Anh của mình khi đó cũng đã có chút cải thiện sau quá trình dài “luyện” để thi Toefl và tham gia các buổi huấn luyện của trung tâm Anh Ngữ ILA nên mình đã tự tin hơn rất nhiều khi phỏng vấn xin VISA. Mình nghĩ quan trọng là chuẩn bị thật kỹ, trả lời các câu hỏi thật rõ ràng, cụ thể, chân thật. Những người phỏng vấn của ĐSQ cũng không đến nỗi đánh đố học sinh về kỹ năng Anh ngữ, họ chú trọng hơn vào nội dung trả lời của bạn về lý do muốn sang Mỹ học.
5. Thời gian học ở Mỹ anh đã gặp những sự cố gì đáng nhớ, đã “quê độ” ra sao với vốn tiếng Anh đối phó của mình trước đó, khi tiếp thu bài giảng và khi giao tiếp?
Như đã nói, thời gian đầu mới sang Mỹ là một quá trình thử thách rất lớn. Mình đã không thể nghe hiểu hết các bài giảng trong lớp. Đã vậy một Economic (Kinh Tế), một môn khó về nội dung lại do một ông thầy người Bangladesh giảng dạy. Mình còn nhớ mãi. Ổng nói tiếng Anh theo giọng Ấn Độ, một giọng được cho là rất khó nghe. Nên với mình mức độ khó tăng gấp bội. Mình đã phải sử dụng máy ghi âm, rồi về nhà vừa nghe lại vừa đọc sách, nhưng vẫn có chỗ không hiểu. Nhức đầu lắm. Cái cảm giác ngồi nghe giảng mà chữ được chữ không nó rất khó chịu. Mình đã phải cố gắng rất nhiều trong thời gian này. Và khi gặp khó và vượt qua được, mình mới tin vào một điều rằng: để cải thiện kỹ năng nghe thì cứ cố gắng nghe thật nhiều thật nhiều, đến một lúc nào đó cái lỗ tai của bạn nó quen và sẽ “tự” nhận ra được. Có thể đó là từ mới bạn chưa hiểu, nhưng ít nhất bạn vẫn nghe ra được. Rồi từ từ sẽ tìm hiểu và học nghĩa mới sau.
Về chuyện quê độ thì nhiều, nhưng phổ biến nhất là khi giao tiếp với bạn bè người Mỹ. Thật sự là rất khó hoà nhập nếu kỹ năng giao tiếp kém. Bạn cứ tưởng xem, khi tham gia các hoat động ngoại khoá của sinh viên, các CLB do sinh viên lâp ra, vì giao tiếp kém nên mình lại càng thu mình lại. Mình nói người ta cứ “Excuse me” hoặc “Pardon me” (xin lỗi mày nói gì?) riết thì quá quê chứ sao. Thế là lại càng thu mình lại hơn. Mình còn nhớ mãi có những buổi sự kiện mà mình chỉ đứng thu mình ở một góc, ngại giao lưu, ngại nói chuyện vì sợ quê. Và điều đó sẽ khiến mọi việc trở nên tệ hại hơn. Việc học giao tiếp Tiếng Anh quan trọng nhất là không được giấu dốt, sợ sai, mặc cảm tự ti. Chỉ có cách luyện tập và luyện tập mới có thể tiến bộ được. Thời gian đầu của mình rất khó khăn. Về sau này thì càng ngày càng cải thiên hơn do mình đã bắt đầu hoà nhập tốt và tự tin hơn, chủ động hơn.
6. Lúc đó anh đã khắc phục và hoàn thiện tiếng Anh của mình ra sao, cụ thể với tiếng Anh chuyên ngành Quản trị kinh doanh và tiếng Anh giao tiếp nói chung? Mất bao lâu thì anh mới hòa nhập được với môi trường sống và học tập bên ấy?
Mình vẫn nhớ mãi cách tập luyện của mình trong thời gian đầu, đó là xem TV thật nhiều, đặc biệt là kênh tin tức CNN vì các người dẫn chương trình tin tức họ phát âm rất chuẩn. Mình cứ nghe và bắt chước phát âm theo. Luyện tập một mình ở nhà, tự nói, tự phát âm liên tục (vì khi đó vẫn còn ngại giao tiếp với bạn Mỹ). Rồi xem các chương trình TV show với những bộ phim có phần đàm thoại với những tình huống gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Xem và nghe kỹ các nhân vật nói chuyện với nhau. Ghi nhớ từng câu từng chữ, cách họ chào hỏi nhau, bắt chuyện với nhau ra sao, trò chuyện thảo luận về chủ đề này chủ đề kia thế nào. Mình bật phụ đề tiếng Anh vì có những chỗ sẽ nghe không được. Cứ thế ghi nhớ các mẫu câu giao tiếp và đọc đi đọc lại. Bắt chước họ phát âm. Rồi sau đó có dịp ra ngoài sẽ thực hành ngay những câu đó với bạn bè trong trường, thầy cô hay bất cứ tình huống giao tiếp nào. Theo mình đó là cách họ hiệu quả nhất. Mình cũng rất thích xem phim, xem các TV show (bên Mỹ có nhiều show truyền hình rất hay!) nên học theo cách này rất thú vị, không nhàm chán mà lại hiệu quả. Nhiều chương trình rất gần gũi với cuộc sống nên những gì mình học được đều rất dễ áp dụng. Mình không nhớ chính xác lắm, nhưng khoảng hết học kỳ đầu, tức khoảng 4 tháng là mình đã tự tin và hoà nhập hơn. Và sau hết năm đầu thì mọi thứ đã dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hoà nhập là một quá trình liên tục được cải thiện. Ở một đất nước phát triển như Mỹ quá có nhiều cái mới để học hỏi khám phá. Mình chưa bao giờ nghi mình đã hoà nhập hoàn toàn ngay cả sau khi tốt nghiệp. Luôn có những khó khăn thử thách mới. Còn ở góc độ hoà nhập để học tốt, có cuộc sống ổn định thì mình nghĩ mất khoảng từ 4-6 tháng.
7. Để học tiếng Anh du học cho tốt, anh nghĩ bạn trẻ cần vượt qua những rào cản gì và chuẩn bị cho mình một tâm lý gì cần thiết?
Điều này mình đã nói và xin nhấn mạnh lại, rào cản lớn nhất chính là sự tự ti, sợ sai, tâm lý giấu dốt. Nếu vượt ra được rào cản này, tự tin mở lòng và học hỏi từ sai lầm thì bạn sẽ mau tiến bộ. Điều này cũng liên quan rất nhiều đến tính cách. Những bạn có tính hoà đồng, cởi mở, thích giao tiếp xã hội thì sẽ mau tiến bộ. Còn tính tình nhút nhát, hay thu mình lại thì sẽ khó khăn và mất thời gian hơn.
8. Anh nói gì để truyền cảm hứng cho bạn trẻ học tốt tiếng Anh nói chung?
Nếu bạn không phải là người đam mê môn tiếng Anh thì bạn sẽ rất khó tiến bộ nếu không có mục đích học cụ thể. Ví dụ như trường hợp của mình. Mình không mê tiếng Anh từ nhỏ, nhưng mình phải cải thiện tiếng Anh vì mục đích: học để đi du học. Khi có mục đích rồi thì phải có mục tiêu cụ thể. Ví dụ, đặt mục tiêu là TOEFL phải trên 550, hay đến cuối học kỳ phải có bài thuyết trình bằng tiếng Anh đạt điểm cao trước lớp. Hoặc nếu đã đi làm thì mục đích là: cải thiện tiếng Anh để nộp đơn vào một công ty nước ngoài. Mục tiêu cụ thể là công ty A hay B nào đó. Hoặc mục tiêu cũng có thể đơn giản chỉ là: kết bạn được với một người nước ngoài, hoặc đến cuối khoá học có thể trò chuyện thoải mái với thầy người bản xứ. Nếu không xác định cụ thể mục đích và mục tiêu, sẽ rất khó để bạn tiến bộ. Rất nhiều người tốn kém tiền bạc vào các trung tâm Anh ngữ nhưng vẫn không tiến bộ. Vì họ chỉ học theo phong trào, học vì “phải đi học thêm tiếng Anh”. Nếu không có mục đích và mục tiêu thì sẽ không có động lực và cũng sẽ có ít cơ hội để thực tập.
Theo mình, tất cả những người trẻ Việt Nam nên có một mục đích chung: đó là giỏi tiếng Anh để có những cơ hội việc làm tốt hơn. Các công việc đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ thì thường thu nhập cũng cao hơn. Chưa kể, dù công việc của bạn không đòi hỏi sử dụng nhiều tiếng Anh, nhưng giỏi tiếng Anh sẽ giúp bạn có lợi thế tiếp cận nhiều hơn với kho thông tin, kiến thức của thế giới. Và điều đó sẽ giúp cải thiện công việc và cuộc sống của bạn rất nhiều. Với xu thế hội nhập, kém tiếng Anh sẽ là một bất lợi. Đừng để quá trễ để phải bắt đầu lại từ đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét